Lượt xem: 376

Những đảng viên nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”

Với vai trò “Đảng viên đi trước”, những năm qua, nhiều hoạt động, phong trào của các tổ chức hội, đoàn thể luôn có sự hưởng ứng, đi đầu và tích cực tham gia của các đảng viên; trong đó có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đây là một trong những phong trào lớn của Hội Nông dân các cấp được triển khai xuyên suốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, vượt khó, làm giàu chính đáng. Có nhiều đảng viên là hội viên nông dân không chỉ làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập cho gia đình mà còn mạnh dạn thử nghiệm, đi đầu trong các mô hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó vươn lên khá giàu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 


Ông Lê Văn Mung chăm sóc ao tôm

 

    Tham quan khu nuôi tôm công nghệ cao của ông Lê Văn Mung, ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận chúng tôi không nghĩ rằng đây đã từng là rừng cây, cỏ hoang, bởi mỗi ao tôm đều được đầu tư bài bản với hệ thống thiết bị khá hiện đại, không còn chút dấu vết của sự hoang sơ ngày nào.

    Hơn 60 tuổi đời, vừa tròn 9 năm tuổi Đảng, ông Mung đã có những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với đồng ruộng, con tôm. Thế nhưng việc nuôi tôm theo cách truyền thống không mang lại hiệu quả cao như thời gian trước, vậy là ông bắt đầu tìm hiểu về nuôi tôm công nghệ cao đang phát triển tại các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Trà Vinh và ông mạnh dạn thuê đất ngoài đê dọc sát tuyến sông Mỹ Thanh để bắt đầu thử nghiệm lắp đặt thiết bị ao nuôi tôm công nghệ cao. Với chi phí 500 triệu đồng cho 1 ao đầu tiên, ông thực hiện tiếp ao thứ 2, bước đầu đã mang lại hiệu quả khi ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào ao nuôi. Làm chủ được môi trường, kỹ thuật và điều kiện nước nên liên tiếp những vụ đầu cho hiệu quả cao.

    Chia sẻ về mô hình nuôi tôm công nghệ cao của mình, ông Lê Văn Mung cho biết: “Nuôi tôm truyền thống lúc đầu thì hiệu quả nhưng khi môi trường biến đổi thì không còn phù hợp, nên tôi học hỏi để nuôi tôm công nghệ cao. Mục đích là làm chủ môi trường, làm chủ công nghệ để có thể đạt hiệu quả. Từ khi chuyển sang nuôi công nghệ cao thì tôi thấy hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trước. Tôi dự kiến sẽ đi học hỏi thêm kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng mô hình nuôi tôm công nghệ này. Tuy đầu tư vốn ban đầu nhiều nhưng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao”.

    Vươn lên từ khó nghèo, nay đảng viên Lê Văn Mung được biết đến là người đầu tiên trên địa bàn xã Thạnh Thới Thuận ứng dụng hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao quy mô hộ gia đình. Vượt qua những khó khăn giai đoạn đầu thử nghiệm, đến nay, ông Lê Văn Mung đã có tổng cộng 5 ao nuôi tôm công nghệ cao, 7 ao trữ nước phục vụ mô hình với tổng chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện các ao nuôi của gia đình ông luôn cho hiệu quả kinh tế với năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống. Ngoài nuôi tôm, qua nhiều năm tích lũy vốn, mua thêm ruộng đất, hiện tại ông đang canh tác 6 ha ruộng và làm thêm các dịch vụ như: phun thuốc bằng máy bay, dịch vụ vận chuyển hàng. Thấy mô hình nào cho hiệu quả kinh tế thì ông đều mạnh dạn đầu tư, thử nghiệm; qua đó, cũng tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, ông Lê Văn Mung là một trong những đảng viên nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” nhiều năm liền tại địa phương và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen giai đoạn 2016-2022. Bên cạnh đó, ông Mung còn là điển hình trong các phong trào từ thiện, xã hội tại địa phương khi đóng góp nhiều kinh phí, gạo, nhu yếu phẩm cho bà con nghèo tại địa phương trong các dịp lễ, tết, đặc biệt là trong đợt COVID-19 vừa qua.

    Đồng chí Trần Hoàng Hôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề cho biết: “Ông Lê Văn Mung vừa là đảng viên tiêu biểu vừa là nông dân sản xuất giỏi. Ông rất cần cù, chịu khó học hỏi, là người đi đầu của xã trong học tập mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương. Hiện nay, đã có thêm vài hộ học hỏi từ ông chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao. Dù tuổi đã lớn nhưng ông vẫn hăng say lao động, nhất là có nhiều đóng góp cho công tác xã hội từ thiện. Lúc diễn biến COVID-19, ông đã vận động gạo, nhu yếu phẩm cho bà con nghèo và đóng góp rất nhiệt tình các nguồn quỹ xã hội”.

    Rời xã Thạnh Thới Thuận, chúng tôi tìm đến cửa hàng với nhiều loại máy móc, thiết bị làm dịch vụ nông nghiệp của ông Đinh Tha, ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Trần Đề.

    60 năm tuổi đời, với 30 năm tuổi Đảng, ông Đinh Tha là cán bộ hưu trí có nhiều năm đóng góp cho ngành y tại địa phương. Năm 2018, nhiều người biết đến ông hơn khi ông là nông dân đầu tiên đưa chiếc máy bay phun thuốc không người lái về huyện Trần Đề nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung khi mô hình này mới phát triển rầm rộ tại tỉnh Đồng Tháp.


ông Đinh Tha tại cửa hàng dịch vụ nông nghiệp

 

    Ông Đinh Tha, chia sẻ: “Qua theo dõi, thấy thiết bị máy bay phun thuốc không người lái rất hay, nên tôi tìm tòi để mua về. Lúc đầu thì thủ tục hơi rườm rà, nhưng được anh em hướng dẫn tận tình và cũng rất quan tâm việc đưa công nghệ vô sản xuất, nên tôi có thêm động lực để đầu tư vốn, cho người đi học điều khiển máy rồi về làm”.

    Xuất thân trong gia đình nông dân, dù theo ngành y nhưng ông Đinh Tha luôn muốn gắn bó với ruộng đồng, nên trong suốt những năm tháng tuổi trẻ ông đã tích góp để có thể mua thêm ruộng đất, đến nay ông đã có hơn 20 ha ruộng. Xuất phát từ thực tế nhu cầu lao động tại nông thôn ngày một khó khăn, nhất là sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, nên ngay khi mô hình máy bay phun thuốc không người lái phát triển, ông đã mạnh dạn tìm hiểu để đầu tư mua máy bay. Vượt qua nhiều khó khăn, gian nan về thủ tục khi đem thiết bị mới về với địa phương, ông Đinh Tha đã từng bước học hỏi công nghệ, ứng dụng cho diện tích đất của gia đình, sau đó là đáp ứng nhu cầu cho bà con trên địa bàn. Đến nay, 5 chiếc máy bay phun thuốc của ông đã có mặt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh để làm dịch vụ phun thuốc cho bà con trên địa bàn; từ đó, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vừa tiết kiệm được chi phí, sức lao động, nhất là bảo vệ sức khỏe cho đa số bà con nông dân trong quá trình sản xuất.

    Ông Đinh Tha chia sẻ thêm: “Phun thuốc thủ công thì không đều, lại ảnh hưởng sức khỏe, còn phun thuốc bằng máy bay thì an toàn hơn vì có công cụ bảo hộ lao động và nhất là tiết kiệm được thời gian, công sức. Nhân công cũng chỉ cần 1 người pha thuốc và 1 người điều khiển là được”.

    Với suy nghĩ công nghệ luôn dẫn đầu và người đảng viên phải mạnh dạn trong thử nghiệm, nên ông Đinh Tha không chỉ mua máy bay phun thuốc mà ông còn trang bị thêm nhiều thiết bị máy móc như máy cắt lúa, máy cày… để sử dụng cho đồng ruộng của gia đình mình, sau đó là san sẻ với bà con thông qua việc làm dịch vụ khi bà con có nhu cầu. Hiện có khoảng 10 lao động cố định được ông thuê mướn để làm dịch vụ, vào vụ mùa số lao động có thể nhiều hơn.

    Đồng chí Dương Quốc Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Đề nhận xét: “Đồng chí Đinh Tha trước đây là cán bộ, về hưu rồi nhưng đồng chí cũng rất mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng công nghệ, nhất là có niềm đam mê với nghề nông. Vì vậy, đồng chí cũng tìm tòi, học hỏi để đưa công nghệ vào sản xuất. Với hội viên nông dân, bình thường là nông dân sản xuất giỏi thì chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng riêng đồng chí Đinh Tha không chỉ làm giàu cho mình mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người, nhiều lao động, rất đáng quý”.

    Thực tế cho thấy, nông dân Đinh Tha hay nông dân Lê Văn Mung đều là hai trong số rất nhiều những đảng viên không chỉ hăng say lao động, vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn hướng đến cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhiều lao động tại địa phương. Theo Hội Nông dân huyện Trần Đề, hằng năm qua bình xét cuối năm, số hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đều đạt hơn 60%, trong đó, đảng viên là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chiếm khoảng 6%. Tuy số lượng đảng viên là hội viên nông dân còn khiêm tốn, nhưng về mặt chất lượng thì đây đều là những “đầu tàu” trong ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, thúc đẩy ứng dụng những khoa học tiên tiến vào sản xuất, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 129
  • Trong tuần: 70,556
  • Tất cả: 11,802,563